Leuven Tết này có gì lạ không em

Xuân Kỷ Hợi năm nay sẽ là cái Tết thứ năm của tôi ở Bỉ. Tết năm nay chắc chẳng có gì để kể. Dự đoán là sẽ ngồi trước màn hình máy tính mà thưởng thức ké hương vị ngày xuân qua những tấm ảnh mọi người post trên mạng xã hội thế thôi.

Về ba mùa xuân đầu tiên khi mới đến châu Âu của tôi, nếu bạn chưa đọc và có hứng thì có thể click vào bài viết dưới đây:

Ba mùa Tết Việt

Bài này thực ra tôi viết cho tập san Áo Trắng, đã đăng vào số Tết năm 2017. Trên bản in có kèm theo 2 tấm hình. Một hình chụp các bạn sinh viên VN ở Leuven trong buổi tiệc và một hình hoa đào ở Đại học La Cambre – Bruxelles:

hoa đào ở trường la cambre
Hoa đào ở École nationale supérieure des arts visuels de La Cambre. Ảnh: Miomie

Sau này, bài viết được in lại trong quyển Những chàng trai từ vùng đất trùm khăn (NXB Kim Đồng, tháng 12 – 2017), kèm theo hình một nhành hoa mộc lan cũng do tôi vẽ:

24 - ba mùa tết việt 2

Tôi đồ rằng với màu sắc trắng đen như thế, phần lớn các độc giả xem sách sẽ không nhận ra tôi vẽ loại hoa gì. Lúc tới sống ở Leuven, mùa xuân đầu tiên đi ngang những vòm cây mộc lan trụi lá ngập hoa, trông vừa mạnh mẽ vừa dịu dàng, tôi thích lắm. Từ dạo đó trở đi đâm ra hay liên tưởng mộc lan với mùa xuân. Gần đây cũng mới vẽ một hình hoa mộc lan khác, cũng để in sách, cũng không màu không sắc và có lẽ cũng khó ai nhận ra. Đôi khi, tôi thích nghĩ về chúng như những điều bí mật nhỏ bé của riêng mình. M. vẽ gì thì chỉ có M. mới biết hehe.

bia new

 

Cái Tết thứ tư ở Bỉ, xuân Mậu Tuất 2018, được đánh dấu bằng việc lần đầu tiên tôi tham gia gói bánh chưng và cũng đã được ghi lại trên blog này vào năm ngoái:

Một truyền thống có thể lựa chọn

Bài viết trên chỉ tuyền chữ là chữ mà không có hình minh hoạ. Bây giờ, sau đúng một năm, tôi post những hình ảnh của kỷ niệm đó ở đây, coi như là để tạo ra chút không khí ngày xuân cho căn nhà trên mạng của mình vậy. Còn nơi căn nhà ngoài đời thực của tôi hiện thời, xung quanh là tuyết phủ trắng xoá bạn ơi.

Cùng nhau gói bánh chưng, Leuven 2018. Ảnh: Cao Thế Anh


P/S: Blog đã chuyển sang địa chỉ mới. Các bài viết mới hiện nay được cập nhật ở:  http://blog.miomie.com Cảm ơn bạn đã đọc.

\\ Sách // Ru – Kim Thuý

Tôi khám phá ra chiếc mỏ neo của mình khi đến gặp Guillaume tại sân bay Hà Nội. Mùi hương của nước xả vải Bounce trên áo anh làm tôi bật khóc. Trong suốt hai tuần, tôi đi ngủ với một mảnh quần áo nào đó của Guillaume trên gối. Guillaume, về phần mình, bị choáng ngợp bởi mùi mít, sầu riêng, quýt, khế, dưa hấu, tôm khô, cua đồng, hoa loa kèn, hoa sen và thuốc bắc. Nhiều lần anh tìm đến chợ đêm, nơi rau củ, trái cây cùng hoa tươi được mua qua bán lại trong các sọt lớn giữa những tiểu thương không ngừng trả giá với nhau trong một sự ồn ào hỗn loạn có kiểm soát, như thể họ đang ở trên sàn giao dịch chứng khoán.

Tôi hay đi chợ đêm với Guillaume, luôn luôn với một trong những cái áo thun của anh mặc bên ngoài áo sơ mi của tôi. Tôi đã phát hiện ra rằng quê nhà có thể được thu gọn vào một mùi hương giản đơn tầm thường từ cuộc sống hằng ngày của mình tại Bắc Mỹ.

Tôi vốn không có địa chỉ riêng. Tôi sống trong một căn hộ văn phòng ở Hà Nội. Sách vở đem gởi nhà Dì Tám, bằng cấp giữ ở chỗ cha mẹ tại Montreal, những tấm ảnh cất nơi anh trai, áo khoác mùa đông ở với bạn cùng phòng trước đây. Lần đầu tiên tôi nhận ra Bounce, mùi hương ấy đã mang đến cuộc tấn công đầu tiên của nỗi nhớ nhà.

Trong những năm đầu ở Quebec, quần áo của tôi có mùi ẩm ướt hoặc mùi thức ăn bởi vì sau khi giặt, chúng được treo lên trong phòng ngủ, trên những sợi dây xâu thành từng chuỗi từ vách tường này sang vách tường khác. Vào ban đêm, tất cả các đêm, hình ảnh cuối cùng trong mắt tôi là những màu sắc lơ lửng ngang qua căn phòng như những lá cờ cầu nguyện Tây Tạng. Trong nhiều năm, tôi đã hít mùi hương của chất làm mềm vải trên áo quần các bạn cùng lớp qua những cơn gió thổi tới mình. Tôi vui vẻ thở trong những giỏ đồ đã qua sử dụng mà chúng tôi nhận được. Đó là mùi duy nhất tôi muốn.

Guillaume rời Hà Nội sau hai tuần ở cùng tôi. Anh không còn quần áo sạch khi rời khỏi. Trong suốt một tháng sau đó, thi thoảng tôi lại nhận được những phong thư bọc nhựa dẻo thật kín với chiếc khăn tay mới sấy thơm mùi Bounce bên trong. Bưu phẩm sau cùng anh gởi tôi chứa một chiếc vé bay tới Paris. Khi tôi đến, anh đang chờ để đưa tôi tới cuộc hẹn với nhà chế tạo nước hoa. Anh muốn tôi ngửi mùi lá tím, hoa diên vĩ, cây tùng lam, vani, ngải cứu … và trên hết, kéo dài vĩnh cửu, là thứ mùi hương mà Napoleon đã ngửi thấy đất nước mình trước cả khi đặt chân lên nó. Guillaume muốn tôi tìm thấy mùi hương sẽ mang đến cho tôi tổ quốc của mình, thế giới của mình.

Tôi không dùng bất cứ loại nước hoa nào ngoại trừ mùi hương mà Guillaume đã yêu cầu người chuyên gia tạo ra cho tôi trong chuyến đi ấy. Nó thay thế Bounce. Nó cất giọng giùm tôi, nhắc tôi nhớ mình tồn tại. Một trong những bạn cùng phòng của tôi đã dành nhiều năm để nghiên cứu về thần học lẫn khảo cổ học nhằm tìm hiểu rằng ai đã tạo nên chúng ta, chúng ta là ai, tại sao chúng ta tồn tại. Mỗi đêm, cô ấy trở về căn hộ không phải với lời giải đáp mà luôn là với những câu hỏi mới. Tôi chưa bao giờ có câu hỏi nào, ngoại trừ thắc mắc về khoảnh khắc khi mình chết đi. Lẽ ra tôi nên chọn thời điểm để chết trước khi những đứa con của mình ra đời, bởi vì kể từ lúc đó thì không còn lựa chọn nữa. Mùi hương bén ngót trên mái tóc bị mặt trời nướng chín của chúng, mùi mồ hôi trên lưng chúng khi tỉnh dậy giữa đêm vì ác mộng, mùi bụi bặm của đôi bàn tay khi chúng rời lớp học … những thứ đó có nghĩa là tôi phải sống, để được loá mắt bởi bóng lông mi lay động vì bông tuyết trượt qua giọt nước mắt trên gò má khi chúng cúi mặt xuống. Các con đã cho tôi nguồn sức mạnh độc nhất để thổi vào vết thương và làm cho nỗi đau biến mất, để thấu hiểu những từ ngữ không được bật thành tiếng, để sở hữu sự thật của vũ trụ, để trở thành tiên nữ. Một nàng tiên mê say mùi hương của chúng.

Trích Ru – Kim Thuý, Miomie dịch từ bản tiếng Anh

***

Trên đây là đoạn tôi ưa thích nhất trong quyển Ru. Mỗi khi đọc truyện hay xem phim, tôi hay có xu hướng chìm đắm vào một chi tiết nhỏ gây ấn tượng với mình và quên đi hết phần còn lại. Vậy nên khi câu chuyện kết thúc, tôi khó có thể nói được tác phẩm ấy hay dở ra sao, đáng xem không, có nên giới thiệu cho người khác không … Những điều tạo nên cảm xúc nơi tôi phần nhiều chịu ảnh hưởng từ các trải nghiệm hoàn toàn cá nhân trước đó và phải thừa nhận là khi đọc hoặc xem, tôi cứ muốn duy trì một thái độ cực kỳ chủ quan như vậy. Hãy để tôi say theo cách của mình, xin đừng có gì đánh thức.

***

Những năm 200x, tôi thường xuyên nghe được từ những người phụ nữ khác lời “than phiền” sau: “Bạn trai em/mày/cháu thơm quá!”. Mọi người đều biết mùi hương ấy chính xác là gì. Thời đó ở Việt Nam chỉ có hai nhãn hiệu nước xả vải, không nhiều sinh viên dùng đến nó cho quần áo của mình. Tôi cũng không. Khi đi cùng nhau thì chàng thơm hơn tôi, chàng trai Downy!

Năm 201x, có một mùi hương bỗng chạm đến tôi trong lúc đang xuyên qua công viên trung tâm. Người đã rời đi trên chuyến xe buýt vừa lăn bánh nhưng hương còn để lại trên vai tôi. Đối với một đứa sở hữu hệ thần kinh vận động hết sức tệ hại, đã quen sống ngần ấy năm với tình trạng khứu giác kém cỏi như tôi thì việc nghe ra hương thơm ấy thật giống như được cho quà bất ngờ. Hôm đó trời chớm thu, Bruxelles lạnh dịu ngọt, quang cảnh công viên tĩnh lặng xanh trong, và tôi bước đi một mình, với mùi nước hoa Hugo Boss của chàng còn vương vấn đâu đây.

Sau này, K. hay khiếu nại tại sao tôi hay lấy trộm nước hoa của chàng. Mỗi lần như thế tôi đều trả lời vì nước hoa của tôi đắt tiền gấp đôi nên khi nào không cần thiết thì sẽ dùng lọ của chàng cho tiết kiệm. Tất nhiên lời đáp này không thật. Nguyên nhân thực sự là cảm giác “được cho quà” trong buổi sáng ở công viên kia. Tôi đã và sẽ tiếp tục trộm nước hoa của K. để đôi lần nào đó lại được nhận quà theo cách ấy. Điều bí mật đó, dĩ nhiên chàng sẽ không bao giờ được biết.